1. Lịch sử ra đời của Trầm Hương
Khi cây dó bầu bị thương, vết thương đó phải đọng nước qua một mùa mưa, cây mới bắt đầu tiết ra chất nhựa xung quanh như một cơ chế tự bảo vệ và làm lành vết thương.
Đôi khi người ta thấy nhiều cây Dó bầu cho trầm chi chít những mắt trên thân cây, những mắt chi chít đó là vết tích do một loài côn trùng đục vào thân cây, dân gian gọi nó là con bọ xòe.
Khi chất nhựa dần dần trở nên đậm đặc, lúc ấy những con kiến sẽ bò vào ăn chất nhựa này. Đó là một loài kiến cao cẳng, màu vàng hoặc màu đen. Chính những con kiến kia mang theo các phân tử của một loài nấm cấy vào trong lớp nhựa.
Loài nấm này tương tác với các hoạt chất của lớp nhựa, dưới tác động của khí hậu bên ngoài, sau một thời gian rất dài mới sinh ra trầm. Thời gian càng lâu trầm càng có giá trị, cây dó bầu thông thường phải có tuổi thọ hơn 50 năm mới có thể cho ra thứ trầm có giá trị.
“Thọ thiên địa chi khí, tẩy vũ trụ chi trược, giáng khí trừ đàm, thiện trị phế phủ, chỉ tả bổ dương, thị là thế thượng trân chi giả…”, đoạn tóm tắt y lý của trầm hương trích trong sách gia truyền của cung đình nhà Nguyễn, tạm dịch: “Tích tụ khí thiêng của trời đất, tẩy trừ mọi thứ ô uế trong không gian, có tác dụng giáng khí trừ đờm, chữa các bệnh thuộc phế phủ, chữa các bệnh về tiêu hóa, bài tiết, thận và tim mạch (chỉ tả bổ dương – nghĩa rộng), chính là thứ trân quý nhất”.
Trầm có thể được sử dụng trong cả ngàn bài thuốc khác nhau, nhưng trước hết hãy nói về “thọ thiên địa chi khí”.
Ai cũng biết không phải cây dó bầu nào cũng có thể sinh ra trầm. Trong rừng tự nhiên từ 1.000 đến 1.500 cây mới có một cây có trầm và từ 10.000 đến 20.000 cây có trầm mới có một cây có kỳ nam.
Quá trình hình thành trầm hương theo một “cơ chế” tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng thật ra là vô cùng kỳ bí. Cho nên người xưa nói “thọ thiên địa chi khí” là đúng nhất. Con người đã khẳng định hương trầm là “vua của các mùi hương”. Hàng ngàn năm nay trầm được xông trong các cung điện vua chúa, tại các lễ nghi thiêng liêng của các tôn giáo. Nó là “danh hương” trong các nghi lễ tôn giáo.
2. Trầm hương trong lịch sử Việt Nam
Từ xa xưa, các vua chúa đã biết sử dụng Trầm hương để làm hòm gia bảo đựng long bào cho hoàng đế. Do đó, không ngoa khi nói Trầm hương chính là chứng nhân xuyên suốt dòng thời gian của lịch sử Việt.
Trầm hương thời Bắc thuộc: Trầm hương đã trở thành sản vật quý giá từ những năm 200 trước Công nguyên mà dân ta phải cống nạp cho phương Bắc. Từ đó, Trầm hương theo con đường tơ lụa, trở thành một trong những thương vật có giá trị nhất, được giao thương sang nhiều nước như Mông Cổ, Ai Cập và Ấn Độ.
Thời Quân chủ: Theo sử sách, Trầm hương đã trở thành loại gỗ quý từ thời Thục Phán An Dương Vương, là loại dược liệu quý có công dụng chữa bách bệnh cho hoàng tộc. Sau này, vào thế kỷ thứ 10, vua Đinh Tiên Hoàng đã sử dụng Trầm hương làm hòm gia bảo để cất long bào. Đây là cách tạo mùi hương trầm nhẹ nhàng cho áo.
Thời Phong Kiến: Dân ta thường nói với nhau câu thành ngữ “Áo gấm xông hương”, ý chỉ những chiếc áo quý được dệt từ gấm nhung, sau đó cất gọn trong những hộp kín ủ hương trầm. Đây là thói quen của các gia đình giàu có, thuộc tầng lớp cao trong xã hội xưa. Phong tục đốt trầm hương đã trở nên phổ biến đến nỗi, vào thế kỷ 18 Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều như sau:
“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này”
Hay trong cuốn Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn cũng đã viết “Trầm hương là hội tụ của linh khí đất trời”, đủ thấy sự phát triển của việc đốt trầm trong xã hội xưa.
Trầm hương ngày nay: Ngày nay, trầm hương ngày càng trở nên khan hiếm, giá trị cũng ngày càng cao. Giá trầm hương hiện nay có thể lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho mỗi thương vụ mua bán. Với sự phát triển của khoa học, người ta cũng đã nghĩ ra cách làm trầm hương nhân tạo nhanh chóng. Nhưng vẫn chỉ có trầm hương tự nhiên mới đem lại những giá trị thực sự.
3. Trầm hương trong tâm linh tôn giáo
Là loại hương thơm quý giá bậc nhất, Trầm hương được sử dụng làm lễ vật trong hầu hết các tôn giáo tín ngưỡng hiện nay như Phật Giáo, Đạo giáo, Công giáo, Cơ đốc giáo hay Hồi giáo…
- Trầm hương trong Phật giáo: Loại gỗ này trở thành lễ vật quan trọng trong các nghi thức Phật giáo như thiền định hay trì tụng kinh… Gỗ trầm còn dùng để tạo ra chuỗi hạt. Các phật tử trong những buổi tụng kinh sẽ lăn chuỗi hạt trên tay, có công dụng làm ấm cơ thể, tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng tạo sự minh mẫn và thoải mái.
- Trầm hương trong Đạo giáo: Tín ngưỡng Đạo giáo tin rằng, khi gỗ trầm được đốt, hương thơm đặc trưng tỏa ra có công dụng xua tan tà khí và định thần. Khói từ trầm chính là hình ảnh của Khí – năng lượng dung hòa của trời đất. Khi thực hành các bài tập dưỡng sinh của Đạo giáo, người ta cũng dùng trầm hương để thức tỉnh và giác ngộ.
- Trầm hương trong Công giáo: Theo Kinh thánh, sau khi chúa Giêsu bị đóng đinh, cơ thể của ngày được bao phủ trong nhựa thơm và trầm hương. Từ đó, trong các đám cưới của người theo Công giáo, cô dâu và chú rể thường trồng một cây trầm. Ngoài ra, trầm hương cũng xuất hiện trong rất nhiều nghi lễ quan trọng như lễ Thoa Dầu ở nhà thờ Công Giáo La Mã, Chính thống giáo Đông phương và cả một số nhà thờ Tin lành.
- Trầm hương trong Đạo Hồi: Gỗ Trầm là nguyên liệu chính để sử dụng trong các buổi cầu nguyện quan trọng của người theo đạo Hồi.